RSS

NGUYÊN NHÂN

Nguyên nhân gây ra lũ quét

Lu quet 5

   Sự hình thành lũ quét có liên quan mật thiết với: cường độ mưa, điều kiện khí hậu, đặc điểm địa hình, các hoạt động của con người cũng như điều kiện tiêu thoát lũ của khu vực.
Các nguyên nhân chủ yếu gây ra lũ quét:
– Do mưa lớn tập trung rơi trên lưu vực mà điều kiện tự nhiên hầu như vẫn giữ nguyên, thường xảy ra trên các lưu vực nhỏ miền núi, hẻo lánh
– Do mưa lớn tập trung trên các lưu vực có độ dốc lớn, mà ở đó hoạt động của con người mạnh mẽ, phá vỡ cân bằng sinh thái làm biến đổi lớp phủ, mặt đệm thay đổi chế độ dòng chảy, thay đổi khả năng trữ nước của đất, đất dễ xói mòn sạt lở.
– Do phá rừng khai thác gỗ, cây cối cùng với đá sỏi, rác rưởi bị cuốn trôi tạo thành các barie ngăn nước tạm sau bị đổ vỡ tràn xuống gây ra lũ, sức tàn phá của lũ tăng lên gấp bội…

Đặc điểm của Lũ quét ở Việt Nam

 Dựa vào hình thức, quy mô phát triển và các vật chất mang theo dòng chảy mà lũ quét có nhiều loại khác nhau, mỗi loại lại có những đặc điểm riêng biệt:
a) Loại lũ quét sườn dốc
Lũ quét sườn dốc thường phát sinh do mưa lớn trên khu vực có độ dốc lớn, độ che phủ thảm thực vật thấp là nhân tố tạo ra dòng chảy mặt sườn dốc lớn, tích tụ nước nhanh về các suối tạo nên dòng lũ quét ở phía hạ lưu. Dạng lũ quét này thường xảy ra ở các lưu vực nhỏ hình nan quạt. Khi có mưa lớn trên lưu vực, từng nhánh suối tập trung nhanh đổ về dòng chính gây ra lũ quét trên dòng chính.
b) Loại lũ quét bùn đá
Lũ bùn đá là một dạng đặc biệt của lũ quét, có sức tàn phá huỷ diệt ghê gớm. Hầu hết những dòng bùn đá thường bắt nguồn từ sự trượt lở đất gây ra bởi nhiều nhân tố như nước mưa, động đất, xói mòn, trượt ngầm, nước ngầm,… những mảnh vụn (đất, đá) do trượt đất cuốn đi hoà với nước sông, suối trở thành dòng bùn. Tốc độ lớn nhất trung bình của dòng bùn thường là từ một vài m/s đến vài chục m/s tuỳ thuộc vào độ dốc lòng dẫn, thường bao gồm một khối lượng lớn những vật bị cuốn trôi. Nói chung dòng bùn có mật độ cao, khối lượng dòng bùn có thể từ 1,1 – 1,2 tấn/m3 và có khi cao hơn nữa. Đó là trường hợp dòng bùn mật độ lớn cuốn theo nhiều tảng đá, có khả năng va đập, cuốn trôi các công trình kiến trúc, cầu cống, kết cấu thép, móng công trình, những tảng đá khổng lồ… nghĩa là tất cả mọi vật cản, mọi chướng ngại trên đường nó đi qua.
Trong những năm gần đây liên tiếp xảy ra lũ bùn đá ở nước ta. Điển hình là trận lũ quét xảy ra ở Thị xã Lai Châu năm 1996. Trong 2 ngày 17, 18 tháng 8 năm 1996 lũ bùn đá đã huỷ diệt gần hết thị trấn Mường lay và một số vùng dân cư trong huyện, làm 54 người chết, 13 công sở, trường học, cửa hàng cùng hàng trăm nhà dân và ruộng vườn quanh thị trấn đã bị đất đá vùi kín. Nhiều tảng đá đường kính 4-5m từ hai bên sườn núi trôi ra chắn ngang suối, vùi kín cả cánh đồng lúa, nhiều đoạn đường giao thông chính bị tắc nghẽn.
c) Loại lũ quét nghẽn dòng
Một loại hình lũ quét xảy ra cũng khá phổ biến nữa ở miền núi nước ta có thể gọi là lũ quét nghẽn dòng. Lũ quét nghẽn dòng là loại hình lũ miền núi thường phát sinh từ các khu vực có nhiều trượt lở ven sông, suối. Đó là các khu vực đang có biến dạng mạnh, sông suối đào xẻ lòng dữ dội, mặt cắt hẹp thường có dạng chữ V, sườn núi rất dốc. Sau khi mưa lớn kéo dài, dòng suối đột nhiên bị tắc nghẽn, nước sông suối dâng cao ngập một vùng rộng lớn thường là các vùng lòng chảo, những thung lũng. Thời gian lũ lên với tốc độ lớn nhỏ khác nhau và thời gian ngâm lũ cũng kéo dài khác nhau tuỳ thuộc điều kiện địa lý của vùng thung lũng rộng hay hẹp và điều kiện có mưa lớn kéo dài hay ngắn. Một trong những khu lòng chảo lớn đã bị tác động bởi lũ quét nghẽn dòng là thị xã Sơn La, dải phía bắc huyện Phong Thổ hay khu đồi ven đường Lai Châu – Mường Lay, khu vực xã Nam Cường thuộc tỉnh Bắc Cạn, A Lưới (tỉnh Quảng Trị), Nam Đông (Huế), Trường Sơn (Quảng Bình) v..v..
Nguyên nhân chính gây ra lũ quét nghẽn dòng là phía hạ lưu của vùng lòng chảo có lòng sông, suối bị thu hẹp. Dòng chảy bị co thắt dễ dàng bị tắc nghẽn do đất đá trượt lở và cây cối lấp tắc đường thoát lũ, tạo thành con đập tạm đột ngột chắn ngang dòng suối. Khi dòng lũ tích tụ đến mức đập chắn bị mất ổn định và vỡ, lượng nước tích lại trong vùng lòng chảo khi bị nghẽn dòng được giải phóng đột ngột tạo thành sóng lũ lớn cho phía hạ lưu.
Lũ quét nghẽn dòng thường tái diễn nhiều lần trên một sông suối. Do phát sinh từ khu vực tiềm tàng nhiều trượt lở, nên khả năng xảy ra nhiều lần lũ quét rất cao.
d) Sự cố hồ chứa nước nhân tạo
Một dạng lũ quét tương tự loại lũ quét nghẽn dòng là sự cố của những hồ chứa nước nhân tạo. Sự cố hồ chứa nước nhân tạo do nhiều nguyên nhân: do thiếu quy hoạch, do thiếu tài liệu điều tra cơ bản, do thiéu sót của công tác thiết kế, công tác thi công và quản lý, cũng có trường hợp do nhiều nguyên nhân phối hợp hình thành sự cố của hồ chứa nước. Khi đập của hồ chứa nước bị vỡ, sóng lũ sẽ gây ra lũ quét tương tự như dạng lũ quét nghẽn dòng.
Nhìn chung, loại lũ quét nghẽn dòng hoặc sự cố hồ chứa nước nhân tạo thường gây ra sóng lũ lớn, tính chất tàn phá khốc liệt hơn loại lũ quét sườn dốc.
e) Đặc điểm thời gian của lũ quét
+ Về tần suất của lũ quét:
Là một nước có độ ẩm cao với lượng mưa bình quân năm lớn nên lũ quét ở Việt Nam có thể xảy ra nhiều lần ở cùng một địa điểm, nơi có những điều kiện thuận lợi cho việc hình thành như có lượng mưa lớn, địa hình dốc, thảm phủ thực vật thưa.
Qua số liệu thống kê cho thấy tại thị trấn Mường Lay và thị xã Lai Châu (tỉnh Lai Châu) là một trong những trường hợp điển hình, từ năm 1990 đến năm 1997 đã xảy ra 6 trận lũ quét, riêng năm 1994 tại thị xã Lai châu lũ quét đã xuất hiện hai lần. Lũ quét đã gây thiệt hại rất nghiêm trọng cho huyện Mường Lay và thị xã Lai Châu. Đặc biệt, 2 trận lũ xảy ra năm 1990 và năm 1996 là 2 trận lũ hiếm thấy trong lịch sử đối với các sông suối ở vùng này cả về độ lớn và tính ác liệt do lũ quét gây ra cho nhân dân địa phương.
+ Về thời gian xuất hiện lũ quét:
Lũ quét có thể xảy ra ngay từ đầu mùa mưa, thậm chí ngay sau một trận mưa lớn ở thời kỳ đầu mùa mưa, khi gặp các điều kiện thuận lợi cho việc hình thành dòng chảy mặt lớn như trận lũ ngày 23 – 24/5/1990 tại tỉnh Lào Cai, trận lũ lịch sử trên sông Ngàn Phố ngày 26/5/1989… Lũ quét hay xảy ra vào đêm về sáng.
+ Về mức độ xuất hiện của lũ quét:
Những năm gần đây, lũ quét có xu hướng ngày càng tăng cả về số lượng và sức tàn phá của nó do nhiều yếu tố hợp thành, mà nguyên nhân chủ yếu do việc phát triển dân sinh, kinh tế ở vùng núi, do việc chặt phá rừng đầu nguồn của những cộng đồng du canh du cư, do xây dựng các công trình hạ tầng cơ sở không có quy hoạch như xây dựng các công trình chắn ngang dòng chảy, làm tắc nghẽn các đường thoát lũ.

 

Bình luận về bài viết này