RSS

HẠN HÁN

a, Nguyên nhân gây ra hạn hán

Nguyên nhân khách quan: Do khí hậu thời tiết bất thường gây nên lượng mưa thường xuyên ít ỏi hoặc nhất thời thiếu hụt.

– Mưa rất ít, lượng mưa không đáng kể trong thời gian dài hầu như quanh năm, đây là tình trạng phổ biến trên các vùng khô hạn và bán khô hạn.

– Mưa không ít lắm, nhưng trong một thời gian dài trước đó có mưa rất ít hoặc không có mưa. Đây là tình trạng phổ biến trên các vùng khí hậu gió mùa, có sự khác biệt rõ rệt giữa mùa mưa và mùa khô. Bản chất và tác động của hạn hán phụ thuộc vào định loại về hạn hán.

Nguyên nhân chủ quan: chủ yếu do con người gây ra, trước hết là do tình trạng phá rừng bừa bãi làm mất nguồn nước ngầm dẫn tới cạn kiệt nguồn nước; do việc trồng cây không phù hợp, vùng ít nước cũng trồng cây cần nhiều nước( như cây lúa) làm cho việc sử dụng nước quá nhiều, dẫn tới việc cạn kiệt nguồn nước; công tác quy hoạch sử dụng nước, phân bố công trình thủy lợi không phù hợp, làm cho nhiều công trình không phát huy được tác dụng, vùng cần nhiều nước lại bố trí công trình nhỏ và ngược lại; bên cạnh đó hạn hán thiếu nước là do không đủ nguồn nước và thiếu những biện pháp cần thiết để đáp ứng nhu cầu sử dụng nước ngày càng gia tăng…..Mức độ nghiêm trọng của hạn hán thiếu nước ngày càng cao do nguồn nước dễ bị tổn thương, suy thoái lại chịu tác động mạnh của con người.

b, Đặc điểm hạn hán ở Việt Nam

Nghiên cứu về hạn hán ở Việt Nam trong khoảng 30 năm trở lại đây nhận thấy một số đặc điểm đáng chú ý như sau: Có 60% thời kỳ hạn rơi vào các vụ Đông Xuân, 12% số kỳ hạn rơi vào các vụ Hè Thu. Khi thời kỳ khô hạn kéo dài thường dẫn tới hiện tượng cháy rừng cao, đe dọa sự sụt giảm đa dạng sinh học, lượng nước, xói mòn đất và ảnh hưởng xấu tới môi trường. Có một liên quan cho thấy số năm bị hạn thường trùng với thời kỳ xuất hiện hiện tượng El nino (1997-1998). Các năm này lượng mưa sụt giảm trầm trọng và gây thiệt hại cho nhiều vùng trồng lúa, hoa màu và cà phê.

Những thiệt hại do hạn hán gây ra thường không lớn như lũ lụt nhưng cũng không kém phần nghiêm trọng vì nó liên quan đến nguồn thực phẩm từ cây trồng, vật nuôi, đồng thời khó khăn cho nguồn nước ăn uống của con người.

 

 

 

Bình luận về bài viết này